Đề thi đang được 63 tỉnh thành in sao
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2018 diễn ra ngày 12/6, ông Mai Văn Trinh, Bộ GD-ĐT xác định đề thi là khâu quan trọng, tác động trực tiếp đến thành bại của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Do đó, ngay từ khi công bố phương án thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa phục vụ cho kỳ thi.
Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử thi cử Bộ GD-ĐT công bố đề thi thử nghiệm, minh họa và tham khảo để thầy cô và học sinh có định hướng và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Rút kinh nghiệm những sai sót xảy ra trong một số kỳ thi gần đây, ông Trinh cho rằng, đây là một sự cảnh tỉnh, nhắc nhở đối với Ban chỉ đạo và Hội đồng đề thi.
"Chúng tôi xác định mục tiêu là đề thì phải tuyệt đối chính xác. Đó là trách nhiệm của hội đồng thi, tổ làm đề thi. Đồng thời chúng tôi cũng rút kinh nghiệm những số liệu mang tính chất động, chưa cập nhật thì hạn chế sử dụng trong các đề thi" - ông Trinh khẳng định.
|
Ông Mai Văn Trinh trao đổi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Lê Văn. |
Ông Trinh cũng cho biết, đến ngày 10/6 vừa qua đề thi chính thức đã được chuyển đến các Sở GD-ĐT. Hiện tại, 63 tỉnh thành đang tiến hành in sao đề thi.
Việc in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi cũng được Bộ GD-ĐT và các địa phương chỉ đạo sát sao. In sao đề thi được thực hiện cách ly 3 vòng độc lập với những quy trình chặt chẽ.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển đề thi luôn có sự giám sát của lực lượng công an và phòng lưu trữ đề thi đặt tại mỗi điểm thi luôn được Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 đặc biệt quan tâm.
Mặc dù khẳng định, công tác đề thi tới thời điểm hiện tại đã đáp ứng được các yêu cầu của kỳ thi, song ông Trinh cũng thừa nhận băn khoăn lớn nhất là khâu in sao, bảo mật đề thi bởi đây là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, vấn đề trật tự, an toàn an ninh của các điểm thi trên cả nước cũng là vấn đề mà Cục trưởng Cục Khảo thí băn khoăn do số lượng phòng thi, điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay rất lớn với 2.364 điểm thi và 36.532 phòng thi trên cả nước.
Thanh kiểm tra sẽ quyết liệt hơn
Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay được giao cho các sở giáo dục địa phương chủ trì, đồng thời, với tính chất 2 trong 1 của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, công tác thanh kiểm tra đối với kỳ thi năm nay sẽ được làm quyết liệt và nghiêm túc hơn các năm trước.
Tuy nhiên, thanh tra chỉ là giải pháp cuối cùng. Ông Trinh cho biết, ban chỉ đạo kỳ thi đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các thí sinh và phụ huynh, đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng và an toàn để triệt tiêu các tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra của ban chỉ đạo kỳ thi cũng được thực hiện liên tục. "Bộ trưởng đã chỉ đạo thành lập 5 đoàn kiểm tra do các thứ trưởng và thường trực ban chỉ đạo kỳ thi dẫn đầu đi kiểm tra tại các địa phương, đặc biệt là tại các vùng khó khăn".
Đối với việc hạn chế gian lận trong kỳ thi, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao, ban chỉ đạo đã phối hợp với lực lượng A83 để có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi.
Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng, các phương tiện công nghệ cao hiện nay rất nhiều và rẻ trong khi điều kiện hiện tại chưa thể áp dụng các kỹ thuật để ngăn chặn thì cách tốt nhất là tăng cường trách nhiệm của cán bộ coi thi.
"Cán bộ coi thi tăng cường trách nhiệm thì không một thí sinh gian lận nào, dù sử dụng công nghệ hiện đại đến mấy cũng không qua mắt được cán bộ coi thi”, ông Mai Văn Trinh chia sẻ.
90.000 cán bộ, nhân viên phục vụ cho kỳ thi
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm nay, cả nước có 866.000 thí sinh dự thi với 2.364 điểm thi và 36.532 phòng thi.
Số lượng cán bộ, nhân viên được huy động tham gia phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 là hơn 90.000 người. Trong đó, số lượng cán bộ, giảng viên huy động từ các trường ĐH, CĐ là 34.645 người, giảm hơn 20.000 người so với năm ngoái.
Theo TTHN