Điểm chuẩn dự kiến giảm từ 1 đến 2 điểm
Điểm thi vào lớp 10 năm học 2017 - 2018 tại TP.HCM được công bố vào chiều qua một lần nữa cho thấy nhận định của các chuyên gia, giáo viên, học sinh cho rằng đề môn toán chưa hợp lý là có cơ sở.
Kết quả điểm thi của khoảng 73.000 thí sinh (TS) như sau: môn ngữ văn có 91,56% TS đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó 11,4% TS đạt từ 8 điểm trở lên. Môn toán có 44,16% TS đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có 2.946 TS đạt trên 8 điểm và 3 TS đạt điểm 10, không có TS nào dưới 2 điểm. Môn tiếng Anh có 63,85% TS đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có 22,19% đạt trên 8 và 626 TS điểm 10.
Từ kết quả thi này, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho hay so với năm trước, điểm văn, tiếng Anh không chênh lệch nhưng điểm toán biến động lớn. Cụ thể, số TS năm trước đạt từ 5 điểm trở lên là 74,5% thì năm này chỉ còn hơn 44%. Do điểm toán thấp dẫn đến tổng điểm các bài thi của TS cũng giảm vì môn toán nhân hệ số 2. Ngoài ra, kết hợp với chỉ tiêu, dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm từ 1 đến 2 điểm, tùy từng trường.
Cần tính lại mức độ kiểm tra, đánh giá học sinh
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, giảng viên Khoa Toán - tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, phân tích: “Căn cứ vào đề thi lớp 10 năm nay thì thấy đề không quá khó và không cần đi học thêm vẫn có thể làm được. Điều này hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM trước khi thi. Tuy nhiên, đó là khi bóc tách riêng từng câu hỏi và nói về độ khó của từng câu.
Ngoài ra, cần phải nói tới thời lượng làm bài và số lượng câu hỏi trong đề thi lớp 10 vừa qua là chưa hợp lý. Đề thi toán kéo dài 120 phút với khoảng 20 ý nhỏ, thử thách trải đều từ đầu cho tới cuối đề thi. Như vậy, học sinh (HS) sẽ không có đủ thời gian để tính toán, tư duy. Xét về mặt phương pháp sư phạm thì điều này không nên, vì đổi mới đề thi theo hướng nào thì cũng cần phải tính toán dành cho HS sự tự do suy nghĩ thì mới có thể sáng tạo, vận dụng”.
Theo ông Dũng, để việc đổi mới đạt kết quả, phía người ra đề cần tính toán để đề thi mới mẻ, tránh rập khuôn nhưng phải đủ thời gian để HS suy nghĩ làm bài. Giáo viên cần dạy cho HS cách đặt vấn đề, cách tư duy khi đứng trước một vấn đề lạ ngay trong quá trình học chứ không chỉ dạy cách đối phó với đề thi. Về phía HS, thay vì học tủ thì cần nắm bản chất của kiến thức để xử lý một câu hỏi mới và có những liên hệ với vấn đề tương tự. Có như vậy áp lực thi cử mới mong giảm bớt.
Ông Dũng nhận định: “Đề thi lớp 10 vừa qua tuy có ý tưởng tốt nhưng cách tính toán chưa sát nên áp lực thi cử chưa giảm. Đặc biệt, nếu còn ôm đồm, tham kiến thức quá nhiều trong một đề thi sẽ tạo phản ứng ngược gây áp lực cho HS và tình trạng học thêm vẫn sẽ triền miên không chấm dứt. Rút kinh nghiệm từ đề thi này, việc kiểm tra đánh giá HS phải tính toán lại thời lượng. Một là giảm số lượng câu hỏi, thử thách trong đề thi, hai là tăng thời gian thi”.
Đừng gây hoang mang cho học sinh
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), nhìn nhận đề thi quá khó, có nhiều dạng bài tập đến ngay HS khá cũng bị động, lúng túng. Thi tuyển thì đề thi phải khó nhưng sự phân hóa cần hài hòa hơn để HS an tâm chứ không hoang mang như đề vừa qua.
Còn ông Nguyễn Đăng Phú, Tổ trưởng tổ toán Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), nói rằng đề phân hóa cao hơn hẳn những năm trước, có phần quá sức với HS học lực trung bình khá. Để vừa đảm bảo mục đích tuyển sinh vừa không khiến phụ huynh, HS hoang mang thì nên biên soạn các nội dung yêu cầu sao cho HS trung bình làm được 5 điểm. Sau đó phân hóa đối với HS khá giỏi, tăng dần độ khó của câu hỏi lên.
Một giáo viên ở Q.1 cho rằng độ phân hóa nên thể hiện theo mức độ tăng dần chứ không nên dàn trải khiến HS xuống tinh thần. Chẳng hạn, những câu đầu nên sử dụng những câu hỏi, bài tập mang tính truyền thống, tránh tình trạng sau 9 năm học HS chỉ đạt 2 hay 3 điểm trong kỳ thi tuyển sinh, dễ bị sốc.