Đề xuất một số hình thức dạy và học Văn trong nhà trường
Giáo dục nhiều năm trở lại đây chỉ ra một thực tế đáng buồn là đa số học sinh tỏ ra không hứng thú với những giờ học văn trong nhà trường. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Nỗi ám ảnh từ con đường quá hẹp cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, sự bất cập của chương trình và sách giáo khoa, sự nặng nề và cứng nhắc trong thi cử…
Nhưng còn một nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng là phần lớn giờ dạy văn trong nhà trường chưa thực sự tạo được sức cuốn hút, thậm chí nhàm chán và đơn điệu đối với học sinh. Yêu cầu bức thiết đặt ra là mỗi người thầy tùy theo điều kiện và khả năng thực tế phải tích cực đổi mới hình thức tổ chức sao cho giờ dạy của mình trở nên sinh động, tích cực và tạo được sự hào hứng cho học sinh. Phải đưa giờ ngữ văn từ chỗ tuân thủ theo những quy trình cứng nhắc, răm rắp theo một công thức định sẵn trở thành môi trường mở để thầy và trò tự do trao đổi và sáng tạo, từ đó khơi gợi niềm đam mê học văn cho các em.
Trong bài viết này, theo quan điểm cá nhân, tôi mạn phép đề xuất một số hình thức tổ chức dạy học văn trong nhà trường mong mạn đàm với bạn đọc gần xa.
Tổ chức thuyết trình theo nhóm
Giáo viên tổ chức lớp thành những nhóm học tập, giao cho mỗi nhóm một hoặc một số vấn đề (thuộc kiến thức trọng tâm của bài học), yêu cầu mỗi nhóm tổ chức bàn bạc, thảo luận ở nhà sau đó thống nhất viết thành bài thuyết trình chung cho cả nhóm. Giờ học trên lớp, mỗi nhóm cử một đại diện trình bày bài thuyết trình trước lớp. Thầy tổ chức cho lớp thảo luận, tranh luận xung quanh vấn đề được trình bày và chốt lại những kiến thức cơ bản nhất.
Hình thức tổ chức thuyết trình theo nhóm đem lại cho học sinh một cách tiếp cận kiến thức mới lạ và đầy hứng thú. Thông qua thảo luận, các em sẽ được tiếp nhận thông tin đa chiều, mở mang nhiều tri thức mới từ trí tuệ tập thể, điều mà các em không thể có được nếu làm việc một mình. Hơn nữa, thông qua trình bày, thảo luận phương pháp này sẽ rèn luyện cho học sinh những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống hiện đại như: kỹ năng trình bày một vấn đề, nói trước đám đông, giao tiếp...
Tổ chức giờ học theo mô hình “Chương trình phỏng vấn chuyên gia”
Giáo viên sẽ giao vấn đề (thuộc kiến thức trọng tâm của bài học), yêu cầu học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhà. Giờ học trên lớp, thầy tổ chức thành một diễn đàn đối thoại, cử ra một học sinh làm phóng viên, một học sinh khác làm chuyên gia (hoặc thầy giáo làm chuyên gia) để phóng viên phỏng vấn chuyên gia về những vấn đề xoay quanh bài học. Những học sinh khác tham gia với tư cách là người đối thoại với chuyên gia. Theo đó, giờ học sẽ trở thành một môi trường để thầy và trò tham gia thảo luận về bài học.
Mô hình dạy học này có ý nghĩa rất lớn trong việc mở ra một môi trường học tập thật sự cởi mở để học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách hết sức thoải mái, chủ động và tích cực. Khoảng cách trong quan hệ thầy – trò thông qua cách học này cũng sẽ được rút ngắn, trở nên vô cùng gần gũi, thân thiết. Sẽ không còn tồn tại quan hệ một chiều theo kiểu thầy độc quyền thuyết giảng, trò răm rắp nghe theo mà sẽ mở ra một quan hệ mới: quan hệ đối thoại. Trong quan hệ ấy, không chỉ trò học thầy mà thầy cũng phải học trò.
Tổ chức giờ học tranh luận
Đối với một số tiết, đặc biệt là những tiết dạy kỹ năng làm văn, giáo viên có thể áp dụng hình thức tổ chức này. Thầy đưa ra những đề văn mở có thể tạo ra những hướng lựa chọn khác nhau như “Chợ quê hay siêu thị”, “Thành phố hay nông thôn”, “Nữ sinh nên mặc áo dài truyền thống hay trang phục hiện đại đến trường”, “Giả sử bạn tham gia vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, bạn sẽ ủng hộ bên nào? Lý do tại sao?”… Lớp học được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm theo một hướng lựa chọn và tranh luận với nhóm kia để bảo vệ quan điểm của mình.
Việc tổ chức tranh luận tạo nên sự hứng thú rất lớn cho học sinh. Thông qua tranh luận trong những giờ học như thế này, học sinh được thể hiện quan điểm của riêng mình, được trình bày những suy nghĩ thực của mình đồng thời đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm ấy mà không chịu ràng buộc, phụ thuộc vào bất cứ một khuôn mẫu, một mô hình nào được áp đặt sẵn.
Theo đó, những giờ học được tổ chức theo kiểu tranh luận sẽ rất tích cực, sôi nổi; phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong tư duy học sinh, đồng thời góp phần định hướng, rèn luyện cho học sinh những khả năng quan trọng: khả năng lập luận, tranh biện, bảo vệ chính kiến… Tổ chức được những giờ học như vậy, người thầy giáo sẽ thực hiện được cái điều đã trở thành trăn trở bấy lâu nay của các nhà giáo dục - lấy học sinh làm trung tâm.
Thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên
(Trích VnExpress.net)
Hotline